Mặc dù tăng trưởng thần kỳ, trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 Trung Quốc, nhưng Huawei cho thấy dấu hiệu thất bại giống Xiaomi cách đây 1 năm.
Huawei đã có bước tiến thần kỳ trong khoảng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ 3 thế giới. Với chiến lược smartphone cao cấp giá rẻ, đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ, dám tấn công những thị trường lớn như Châu Âu, Huawei đã có được thành công như ngày hôm nay.
Tuy nhiên sau khi tăng tốc mạnh mẽ, nhà sản xuất smartphone của Trung Quốc dường như lại sắp đi theo “vết xe đổ” của Xiaomi cách đây một năm. Hôm thứ 6 vừa qua, đại diện của Huawei công bố dự kiến tăng trưởng doanh thu cả năm 2016 sẽ chậm lại và dự báo những bất ổn lớn trong năm 2017 sắp tới.
CEO Eric Xu tiết lộ doanh thu năm 2016 của Huawei có thể đạt 74,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng là 32%. So với năm 2015, tốc độ tăng trưởng là 35%, thì Huawei đang có dấu hiệu chững lại. Mặc dù tốc độ sụt giảm không quá nhiều, nhưng ông Eric Xu lo ngại nhiều vấn đề bất ổn về chính trị và kinh tế trong năm 2017 sẽ ảnh hưởng đến Huawei.
Sau khi nhảy vào thị trường smartphone, Huawei liên tiếp gặt hái được nhiều thành công. Huawei cũng trở thành nhà sản xuất điện thoại di động đầu tiên của Trung Quốc xuất xưởng hơn 100 triệu chiếc smartphone trong một năm, vào năm 2015. Khi đó, doanh số smartphone của Huawei tăng trưởng 44%.
Tuy nhiên, sau khi leo lên đỉnh cao mới, Huawei đang cho thấy những dấu hiệu chững lại. Cũng giống hệt như Xiaomi cách đây một năm. Sau khi tăng trưởng thần kỳ 135% doanh thu năm 2014, Xiaomi gần như không tăng trưởng trong năm 2015. Doanh số smartphone chỉ đạt 71 triệu chiếc, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu ban đầu.
Đầu năm 2016, doanh số smartphone của Xiaomi thậm chí còn giảm 5%. Đó là dấu hiệu báo động, cho thấy mảng kinh doanh smartphone của Xiaomi gặp vấn đề. Mà sau đó, Xiaomi đã phải thực hiện nhiều cuộc cải cách lớn, trong đó là việc nhảy vào phân khúc smartphone cao cấp và ra mắt Mi Mix với thiết kế đột phá.
Huawei đang có dấu hiệu gần giống với Xiaomi, mặc dù chưa phải là quá nghiêm trọng. Tuy nhiên không thể xem thường những dấu hiệu đó, bởi tốc độ tăng trưởng chững lại có thể là dấu hiệu đầu tiên của việc người tiêu dùng không còn lựa chọn sản phẩm của Huawei nữa.
Bất kỳ nhà sản xuất nào cũng sẽ cần đổi mới, sáng tạo và đột phá liên tục để có thể tồn tại. Đó là bài học không thể quên.
Tham khảo: Reuters