Nhiệt độ sẽ thấp hơn nếu người dùng không sử dụng điện thoại trong khi sạc - đúng theo khuyến cáo của nhiều nhà sản xuất.
Một trong những thất bại công nghệ tồi tệ nhất trong năm 2016 chắc chắn là Samsung Galaxy Note 7 vì những trường hợp cháy, nổ kinh hoàng. Smartphone hiện đại ngày càng được trang bị nhiều RAM hơn, bộ vi xử lý mạnh mẽ hơn, và pin cũng bị nhồi nhét nhiều hơn trong lớp vỏ kim loại nguyên khối nên tình trạng bị nóng là không thể tránh khỏi. Các chuyên gia của kênh Chongdiantou (Trung Quốc) đã tiến hành một bài kiểm tra để đánh giá mức độ tăng nhiệt của những chiếc smartphone flagship từ nhiều nhà sản xuất có tên tuổi.
Nóng nảy là hỏng việc – xưa nay đều thế
Những đại diện cao cấp được lựa chọn để tham gia cuộc thi lần này gồm có: Samsung Galaxy S7 edge, OnePlus 3T, Huawei Mate 9, Xiaomi Mi Note 2 và Google Pixel XL.
Những chiếc điện thoại thông minh đã phải trải qua một thử nghiệm thực sự là khốc liệt: bị sử dụng hết công suất trong khi vẫn đang cắm sạc. Trong quá trình đo nhiệt độ, màn hình của những điện thoại thông minh này phải hoạt động liên tục.
Sau 30 phút người ta tiến hành đo nhiệt độ trên mặt vỏ sau của chúng. Thử nghiệm được thực hiện hai lần.
Danh hiệu “Vua nóng tính” thuộc về ai?
Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở Samsung Galaxy S7 edge – 46 độ. Tuy nhiên, nhiệt độ này chỉ xuất hiện tại một khu vực trên máy, còn chiếc OnePlus 3T lại bị nóng trên toàn bộ mặt sau bằng kim loại với nhiệt độ cao nhất ở phần trên của thiết bị - 45,7 độ C.
Quả thật là cái gì cũng có 2 mặt. Việc sở hữu công nghệ sạc cực nhanh Dash Charge (từ 0 đến 100% trong 1 giờ và 40 phút) khiến OnePlus 3T phải trả giá bằng nhiệt độ cao.
Vị trí thứ ba thuộc về Xiaomi Mi Note 2 - 43,6 độ ở khu vực đặt camera. Thứ tư là chiếc Google Pixel XL với nhiệt độ 42,1 độ C. Đứng bét bảng xếp hạng nhưng cũng đồng nghĩa là smartphone “mát mẻ” nhất là Huawei Mate 9 - 38,5 độ với viên pin dung lượng 4000 mAh, sạc đầy phải mất gần hai giờ. Siêu phẩm của Apple - iPhone 7 Plus chỉ tham gia thử nghiệm thời gian sạc và mất 3 giờ 52 phút để sạc đầy.
Kết quả này cho thấy, việc cầm nắm smartphone khi sạc là có thể, và tất cả đều còn lâu mới đến ngưỡng quá nhiệt để xảy ra cháy nổ. Nhiệt độ sẽ thấp hơn nếu người dùng không sử dụng điện thoại trong khi sạc - đúng theo khuyến cáo của nhiều nhà sản xuất.
Nguồn: genk.vn