Bàn phím cơ đầu tiên của Xiaomi với tên mã MK01 là một chiếc bàn phím tốt với chất lượng hoàn thiện khác xa với các đối thủ trong cùng tầm giá nhưng chưa thực sự là một lựa chọn đáng tiền nếu đặt hiệu năng lên tiêu chí hàng đầu
MK01 là sản phẩm bàn phím cơ đầu tiên của Xiaomi, thoạt nhìn nó có thông số rất "ngon" có thể kể đến như case nhôm nguyên khối, keycap PBT double shot xuyên LED, RED switch,... tuy nhiên khi đào sâu vào chi tiết thì đây thực sự chưa phải là một bàn phím cơ hoàn hảo từ thiết kế đến hiệu năng trong tầm giá 1 triệu đồng.
1. Thiết kế
Vỏ hộp vẫn được Xiaomi làm như hầu hết các sản phẩm khác của hãng, tối giản, ít thông tin và nếu có thì cũng chỉ toàn tiếng Trung nên với người dùng cơ bản rất khó nắm bắt. Chất lượng bao bì cũng chỉ ở mức chấp nhận được, bù lại phong cách tối giản này lại rất thân thiện với người dùng.
Bên trong hộp cũng tối giản không kém khi chỉ có bàn phím, tấm che bụi bằng nhựa trong, dây cáp kết nối chuẩn micro usb. Và xiaomi cũng ki bo khi không cung cấp thêm 1 phụ kiện vốn dĩ là mặc định với bàn phím cơ đó là dụng cụ gỡ phím (key puller). Điều này làm tôi nhớ đến các sản phẩm smartphone của hãng - không bao giờ có tai nghe đi kèm, kể cả các sản phẩm cao cấp nhất.
Một điểm đặc biệt là Xiaomi MK01 sử dụng kết nối chuẩn Micro USB trong khi hầu hết các hãng bàn phím cơ thông thường vẫn sử dụng cổng Mini USB vốn đã quá cổ. Điểm ăn tiền của MK01 đầu tiên phải kể đến đó là nó sử dụng dây rời, nên có thể dễ dàng thay thế cũng như mang đi mang lại cho gọn gàng.
Cổng kết nối micro usb được đặt bên góc trái, mức độ hoàn thiện ở mức tốt
Keycap được dùng trên MK01 là PBT double shot xuyên LED với layout chuẩn US, điều này khiến cho việc nếu bạn muốn thay đổi keycap trên MK01 sẽ rất dễ dàng vì chuẩn Layout US là chuẩn thông dụng nhất hiện nay trên bàn phím cơ.
Tuy mang mác là PBT nhưng chất lượng hoàn thiện chỉ ở mức chấp nhận được, keycap rất dễ bị trày xước, đặc biệt nếu tháo lắp không cẩn thận. Font chữ in trên bề mặt cũng không có gì đặc biệt, là loại phổ biến mà chúng ta vẫn hay thấy ở những bàn phím cơ giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc. Bề mặt keycap là dạng nhám, tăng độ ma sát khi tiếp xúc nhưng cũng dễ bám bẩn, đặc biệt là màu trắng như thế này khiến các vết bẩn lộ rất rõ.
Điểm mà tôi thấy bất ngờ nhất ở Xiaomi MK01 đó là nó được sử dụng khung hoàn toàn bằng nhôm nguyên khối, mức độ hoàn thiện rất tốt, không hề xuất hiện các cạnh sắc ở phần rìa hay các chi tiết gia công lỗi, rất liền lạc. Nguyên phần case nhôm này nếu mua để thay thế cho các bàn phím cơ vỏ nhựa cũng có giá không dưới 1 triệu đồng trên thị trường. Đó là điểm mà tôi thấy bất ngờ khi Xiaomi trang bị hẳn 1 case nhôm CNC nguyên khối cho chiếc MK01 mà giá chỉ ở mức một triệu đồng, trên thị trường hiện không có bàn phím nào cùng tầm tiền bì kịp.
Bề mặt giao tiếp giữa phần case nhôm và che cho toàn bộ keycap được Xiaomi sử dụng 1 tấm nhựa, và nó được sơn bóng, chi tiết này làm giảm giá trị của toàn bộ bàn phím đi nhiều vì khi nhìn trực tiếp bằng mắt thường trông nó mang tính chất có phần hơi "rẻ tiền" một chút và đối lập hoàn toàn với phần case nhôm. Bề mặt này cũng rất dễ xước nếu bị vật nhọn cà vào. Nếu Xiaomi phủ lớp sơn mờ hoặc làm luôn bằng nhôm thì thật sự phần vỏ của chiếc bàn phím này sẽ ăn đứt gần toàn bộ bàn phím cơ dưới 3 triệu đồng vốn chủ yếu làm từ nhựa.
Nhìn tổng thể, ngoại trừ phần font hơi xấu ra thì đây là một sản phẩm mang hơi hướng rất Apple trong phong cách thiết kế. Đặc biệt ở các chi tiết bo góc tròn trịa, màu trắng sứ kết hợp cùng nhôm, nếu không gắn logo Xiaomi thì có lẽ hầu hết chúng ta sẽ nghĩ đây là một sản phẩm của Apple thay thế cho bàn phím Chiclet truyền thống của hãng.
2. Hiệu năng sử dụng
MK01 được Xiaomi sử dụng Red Switch - một nước cờ thể hiện rõ sự rụt rè trong lần đầu tiên làm phím cơ của hãng này. Red Switch là loại switch có lực nhấn nhẹ nhất - người dùng lần đầu dùng phím cơ sẽ không quá bỡ ngỡ. Và nó cũng là loại switch ít gây ồn nhất, nếu như Xiaomi lựa chọn Blue Switch thì sẽ gây trở ngại vì không phải khách hàng nào cũng thích tiếng clicky từ Blue Switch tạo ra và trực tiếp thu hẹp đối tượng khách hàng. Vậy tại sao hãng không sử dụng brown switch - loại switch được ưa chuộng nhất? Câu trả lời là với mức giá rẻ và việc bỏ quá nhiều chi phí đầu tư vào case nhôm rồi thì rất khó để tìm được nhà cung cấp brown switch giá rẻ. Hầu hết các hãng làm switch ăn theo cherry chỉ làm blue và black switch.
Và hãng cung cấp switch cho sản phẩm của Xiaomi lần này là TTC, một cái tên vô cùng lạ lẫm. TTC là một hãng chuyên làm switch cho các loại nút bấm từ gia dụng đến công nghiệp. Switch dành cho bàn phím cơ của hãng này chủ yếu xuất hiện trên các bàn phím cơ bán trong thị trường nội địa Trung Quốc và lèo tèo 2-3 loại được bán ở Châu Âu và Mỹ qua các kênh mua sắm online và hầu hết đều là các bàn phím cơ giá siêu rẻ của các hãng ít tên tuổi.
Tuy nhiên Switch của TTC không hề tệ, nó khá ổn nhất là so với mặt bằng chung các bàn phím cơ có cùng mức giá trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng blue và black switch cũng của các hãng ít tên tuổi khác như Outemu, Zorro,... Tuy nhiên vẫn kém hơn Gateron và chỉ ngang ngửa Kail Switch từng được sử dụng khá phổ biến trên các sản phẩm bàn phím của Razer. Nhưng với mức giá 1 triệu đồng, không thể nào Xiaomi có thể trang bị cho MK01 switch của cherry được, vì như thế tuy hãng vẫn sẽ có lãi tuy nhiên sẽ gần như là làm từ thiện.
Trải nghiệm với MK01 là rất ổn, đặc biệt khi với 1 triệu đồng, bạn chỉ tìm được các bàn phím cơ giá rẻ từ Trung Quốc với hầu hết là Blue Switch và Black Switch. Blue Switch thì gây ồn - không sử dụng ở văn phòng hay những nơi công cộng còn Black Switch lại quá nặng và cực kỳ kén người dùng. Red Switch của TTC khá mượt mà, lực nhấn thuộc loại nhẹ nhất nên typing với cường độ cao không hề gây mỏi. Tuy chỉ là một switch cơ học giá rẻ nhưng chất lượng của nó vẫn vượt xa so với phím cao su và hơn hẳn so với công nghệ giả cơ. Nói MK01 không gây ồn không hoàn toàn đúng vì bản chất khi key cap gõ xuống va chạm với khung vỏ của bàn phím vẫn tạo ra tiếng động nhưng nó hoàn toàn chấp nhận được.
Chơi game với MK01 có lẽ không thực sự phù hợp bởi vốn dĩ MK01 không hề hướng đến nhu cầu gaming, từ thiết kế, switch sử dụng. Tuy nhiên nếu chơi các game cần nhấn nhanh, nhấn nhiều dạng như LOL chẳng hạn thì Red Switch trên MK01 vẫn rất ngon.
Ngoài ra MK01 cũng được Xiaomi trang bị LED, với màu led trắng và có thể tùy chỉnh tăng giảm độ sáng qua phím tắt, ngoại trừ 2 phím numlock và caplock có thể chuyển sang màu cam khi được bật lên. Khá hữu dụng khi sử dụng trong môi trường thiếu ánh sáng và màu LED này cũng phù hợp với ngôn ngữ thiết kế chung hơn là việc cố đấm ăn xôi trang bị LED 7 màu hay LED RGB theo xu hướng chung hiện nay.
3. Tổng kết
- Ưu điểm: Thiết kế đẹp mắt, dễ nhìn, độ hoàn thiện cao với case nhôm nguyên khối, keycap PBT, dây cáp rời tiện dụng. Chuẩn kết nối micro USB thông dụng dễ dàng thay thế. Red Switch phù hợp với đại đa số người dùng. Layout chuẩn US thuận tiện cho việc thay đổi keycap.
- Nhược: Phụ kiện đi kèm thiếu thốn (không có key puller), font chữ trên keycap chưa đẹp, chất lượng keycap tuy là PBT nhưng chưa thực sự tốt, mặt trên bằng nhựa dễ xước. Màu trắng rất dễ bám bẩn, mặt trên dễ bị xước sau một thời gian sử dụng.
Nguồn: genk.vn